Trong các thiết kế công trình công cộng thì luôn có đường dốc để tiếp cận vào trong công trình. Đường dốc là một bộ phận không thể thiếu để tiếp cận sảnh công trình nhưng rất ít kiến trúc sư để tâm vẽ cho chuẩn. Hôm nay Hòa lên thăm công trình bệnh viện đang thi công và được chủ đầu tư nhờ chỉnh lại đường dốc vì xe ô tô gặp khó khi lên sảnh.

Rất nhiều các công trình công cộng khi xây xong phải đập bỏ xây lại đường dốc vì những khó chịu trong quá trình sử dụng. Không phải thiết kế đường dốc khó, mà vì các “Kiến trúc hư” thường xem nhẹ phần đường dốc nên không chú tâm vấn đề này mà chỉ copy và paste từ bản vẽ này sang bản vẽ khác. Thế nhưng thực tế thì đường dốc là thành phần kiến trúc được sử dụng hàng ngày trên công trình. Vì thế, khi vẽ sảnh, tam cấp và đường dốc, các Kiến trúc sư cần tính toán chính xác hơn để tránh việc khi làm thực tế không sử dụng được.
Thiết kế đường dốc đúng tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn thiết kế đường dốc được quy định trong TCVN 4319: 2012 Nhà và công trình công cộng – Nguyên tắc cơ bản để thiết kế, bạn có thể tải tài liệu về tham chiếu. Đường dốc là yêu cầu bắt buộc trong thiết kế các công trình công cộng. Đường dốc giúp xe có thể đi từ sân lên sảnh của công trình. Đường dốc trong công trình công cộng phục vụ cho xe của người khuyết tật và các loại xe cơ giới khác. Có 2 loại đường dốc cơ bản trong tiêu chuẩn thiết kế đó là đường dốc cho xe cơ giới và đường dốc cho xe lăn người khuyết tật.
Trong công trình công cộng, đường dốc cho người khuyết tật là bắt buộc và có tiêu chuẩn riêng. Tiêu chuẩn đường dốc cho người khuyết tật được quy định trong TCVN 4319: 2012, Cơ bản là:
- Độ dốc không vượt quá 1/12
- Có lan can tay vịn 2 bên đường dốc
- Đường dốc không được dài quá 9m, nếu dài hơn phải có chiếu nghỉ. Chiếu nghỉ gấp khúc không hẹp hơn chiều rộng đường dốc, chiếu nghỉ thẳng không ngắn hơn 2m
- Chiều rộng thông thủy đường dốc không bé hơn 1200mm
Điều này nghĩa là, giả sử bạn cần lên cao độ 1m thì đường dốc của bạn phải dài ít nhất 12m, và phải đảm bảo những yêu cầu khác ở trên

Tương tự đối với đường dốc cho xe cơ giới cũng phải đủ các tiêu chuẩn để xe cơ giới có thể dễ dàng di chuyển trên đường dốc. Về độ dốc cho xe cơ giới thì thường được lấy là 1/5 (dốc hơn độ dốc dành cho xe lăn là 1/12). Nếu đường dốc cong thì cần tính toán độ cong thích hợp để thuận tiện quay xe.

Kiến trúc sư có thể kết hợp đường dốc cho người khuyết tật và đường dốc cho xe cơ giới làm một. Khi đó đường dốc phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn kép của 2 đường dốc kể trên.
Tất cả những quy định trên đều chỉ để đảm bảo một điều là các xe phải dễ dàng tiếp cận và di chuyển lên đường dốc. Vì thế, đường dốc đẹp đúng nghĩa là không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn, mà còn phải thuận tiện khi sử dụng.

Kinh nghiệm thiết kế đường dốc công trình công cộng
Khi đặt bút vẽ bất cứ 1 chi tiết nào trên bản vẽ, dù chỉ là bộ phận nhỏ nhất thì cần phải đảm bảo sử dụng được khi thực thi. “Bút sa gà chết” là hoàn toàn đúng khi vẽ các công trình công cộng. Dù nét vẽ của Kiến trúc sư có vô lý đến đâu nhưng đã in lên bản vẽ thì đều sẽ được thực thi. Sau buổi thăm công trình ở trên và nhận những “tâm sự” của chủ đầu tư đã dính vài vết xước ở thân xe khi lái lên đường dốc, Hòa tóm tắt lại một số kinh nghiệm vẽ đường dốc đẹp chuẩn như sau, ngoài việc đảm bảo đúng tiêu chuẩn thì còn phải “nhân văn” hơn:
- Dù bạn muốn vẽ uốn éo thế nào cho đẹp thì cũng phải tính đến bài toán sử dụng được, vì đường dốc không phải làm cho có hay để trang trí
- Đừng đặt bút vẽ ngay đường dốc trên mặt bằng tầng một, mà hãy đặt mặt bằng tầng 1 lên mặt bằng tổng thể, sau đó mới bắt đầu tính toán đường dốc
- Hãy tưởng tượng hướng đi của các xe ra vào đường dốc để vẽ cho phù hợp. Không phải thẳng là dễ chạy cũng không phải cong là đẹp. Sự phù hợp với tổng mặt bằng là đẹp
- Đầu vào đường dốc phải được mở rộng để đón xe vào. Tùy thuộc hướng xe vào mà vẽ độ mở hợp lý đảm bảo bán kính quay xe thuận tiện và dễ dàng nhất
- Bề mặt đường dốc không được trơn trượt, cần xẻ rãnh hoặc lát đá nhám
- Con lươn (bờ 2 bên) đường dốc xe ô tô không nên cao quá. Nếu cao quá sẽ dễ va chạm vào thân xe khi di chuyển. Con lươn đường dốc cao khoảng 50mm – 150mm, có thể kết hợp đồng bộ với bồn hoa, tam cấp. Nếu đường dốc cao quá thì bắt buộc con lươn 2 bên phải cao để đảm bảo an toàn. Khi đó chiều rộng đường dốc phải lớn để thuận tiện xe di chuyển
Trên đây là một vài tóm tắt nhanh những điều rút ra qua chuyến thăm công trình chiều nay. Hy vọng bài viết có ích cho các Kiến trúc sư.
Chúc bạn buổi tối vui vẻ!