Thiết kế sân khấu là thiết kế hình ảnh, hình dáng, bố trí các hạng mục sân khấu để tổng thể sân khấu – sự kiện hài hòa và hấp dẫn, nổi bật được nội dung chương trình. Thiết kế sân khấu là yêu cầu bắt buộc trong công tác tổ chức các chương trình, sự kiện lớn nhỏ. Sân khấu là một hạng mục kỹ thuật và phải có nguyên tắc để thiết kế sân khấu đẹp. Làm thế nào để thiết kế sân khấu đẹp chuẩn? Sau đây là những nguyên tắc thiết kế sân khấu đẹp và chuẩn kỹ thuật do FTK DESIGN biên soạn.
Nghệ thuật sân khấu đã có từ lâu đời. Từ xa xưa, sân khấu là nơi để biểu diễn trực tiếp các loại hình nghệ thuật từ ca nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật… hay tất cả các bộ môn nghệ thuật phức hợp khác. Sân khấu là không gian giao lưu trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ biểu diễn. Chính vì thế, sân khấu đẹp là một nhu cầu xuất phát từ việc mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khán giả, nâng tầm giá trị chương trình biểu diễn.
6 Nguyễn tắc thiết kế sân khấu đẹp chuẩn
Khi thiết kế sân khấu cần lưu ý 6 nguyên tắc sau đây để sân khấu thiết kế đẹp, chuẩn và không gặp rắc rối khi thi công sân khấu thực tế. Đây là những nguyên tắc mà họa sĩ thiết kế sân khấu chuyên nghiệp luôn ghi nhớ để làm nên những tác phẩm sân khấu đẹp.
1. Nguyên tắc phân cảnh trong sân khấu
Trong thiết kế sân khấu bài bản, một không gian sân khấu sẽ được phân thành Tiền cảnh – Trung cảnh và Hậu Cảnh. Khi thiết kế sân khấu phải làm rõ được các phân cảnh này thì mới đảm bảo được các trải nghiệm nghe nhìn tốt nhất cho sân khấu. Mỗi phân cảnh sẽ có những đặc trưng thiết kế riêng. Sân khấu có đầy đủ các phân cảnh thì sẽ có chiều sâu và đáp ứng đủ các không gian chức năng biểu diễn.
Tiền cảnh là phân cảnh lớp ngoài cùng của sân khấu, là lớp gần nhất với khán giả (hoặc ống kính máy quay). Tiền cảnh được coi như cổng mở vào không gian sân khấu, được thiết kế gọn gàng, đồng bộ với hình thức sân khấu và chủ yếu tập trung vào các vị trí có chức năng định vị sân khấu (góc dưới – góc trên ngoài cùng của sân khấu). Lớp tiền cảnh giúp “đóng khung” sân khấu và gợi mở những nội dung phía bên trong sân khấu. Tiền cảnh phải được thiết kế và thi công một cách rõ nét, độ hoàn thiện tốt để đảm bảo hiển thị tốt trong khoảng cách nhìn gần.
Trung cảnh là phân cảnh tiếp theo phía sau tiền cảnh. Trung cảnh là không gian diễn ra các hoạt động chính của sân khấu. Trung cảnh sẽ có các lớp cánh gà phân chia và kiến tạo nên hình dạng chính cho không gian sân khấu. Trung cảnh cần thiết kế thể hiện được nội dung chính sân khấu, định hình rõ ràng sân khấu. Trung cảnh là khu vực bố trí bối cảnh chính của sân khấu.
Hậu cảnh là lớp sau cùng của sân khấu. Hậu cảnh chính là các lớp backdrop phía sau cùng của sân khấu. Hậu cảnh là lớp cuối cùng trong không gian sân khấu, có thể chỉ gồm 1 hoặc nhiều lớp phông nền để làm nền cho toàn bộ mặt đứng sân khấu. Hậu cảnh phải tạo được không gian sâu xa cho sân khấu.
Sân khấu có đủ các lớp không gian phân cảnh là một sân khấu bài bản và chuyên nghiệp, đúng kỹ thuật và nguyên lý về bố trí cảnh trí sân khấu.
2. Nguyên tắc bố trí sân khấu
Sân khấu là trung tâm của một sự kiện, là nơi diễn ra mọi hoạt động biểu diễn của một sự kiện dù lớn hay nhỏ. Sân khấu là khu vực nổi bật và dễ dàng nhận diện nhất. Khi người dẫn chương trình nói: “Hãy hướng về sân khấu…”, ngay lập tức khán giả biết cần phải hướng về đâu. Đó chính nguyên tắc bố trí sân khấu: Phải hợp lý và đảm bảo tiện nghi nghe nhìn tốt nhất. Nguyên tắc bố trí mặt bằng sân khấu như sau:
- Phía sau sân khấu không được có khán giả, toàn bộ sân khấu hướng về phía khán giả (hoặc thiết bị thu hình), toàn bộ khán giả ở phía trước sân khấu.
- Sân khấu phải được nâng lên nhưng không được không vượt quá cao độ mắt của người xem ở vị trí hàng đầu tiên, trừ trường hợp một số sự kiện đặc biệt có chủ đích.
- Góc mở của sân khấu (được giới hạn bởi cánh gà và các bộ phận ở tiền cảnh) phải đủ rộng để đảm bảo cho khán giả ngồi ở vị trí xa nhất nhìn thấy được điểm sâu nhất của sân khấu ở cùng phía. Điều này nghĩa là, Sân khấu phải được thiết kế sao cho ở bất cứ vị trí của khu vực khán giả cũng nhìn thấy được toàn bộ sân khấu.
- Không gian giữa khán giả và sân khấu không được có vật cản gây cản trở tầm nhìn của khán giả về sân khấu.
- Phía sau và hai bên sân khấu phải được kết nối với khu vực phụ trợ sân khấu, bao gồm: Hành lang cho diễn viên di chuyển, lối vào sân khấu từ phía sau và hai bên cho diễn viên, khu vực đạo diễn, khu vực đệm để chuẩn bị, khu vực hỗ trợ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, nhắc lời… Những khu vực này phải ở những vị trí khuất tầm nhìn của khán giả.
- Giao thông bố trí đảm bảo không chồng chéo giữa diễn viên và khán giả. Diễn viên và e kip phụ trợ sẽ hoạt động ở phía sau, hai bên sân khấu và trên sàn sân khấu, khu vực này không được có khán giả đi qua.
Có thể bạn muốn xem: Tư vấn thiết kế thi công sân khấu chuyên nghiệp - FTK DESIGN, bấm xem: DỊCH VỤ THIẾT KẾ THI CÔNG SÂN KHẤU
3. Nguyên tắc thiết kế sân khấu: bố cục, tỉ lệ thiết kế
Bố cục, tỷ lệ trong thiết kế nói chung, và thiết kế sân khấu nói riêng quyết định đến tính thẩm mỹ của thiết kế. Thiết kế luôn phải đi kèm với tỉ lệ. Các nguyên tắc về tỷ lệ trong thiết kế được áp dụng cho việc thiết kế mặt đứng sân khấu. Hãy chọn những tỷ lệ đẹp để thiết kế tổng thể mặt đứng và các chi tiết của mặt đứng sân khấu. Một số tỷ lệ tương quan cần phải chú ý đó là:
- Tỉ lệ giữa chiều cao và chiều rộng tổng thể sân khấu
- Tỉ lệ giữa chiều cao và chiều rộng của các thành phần trang trí sân khấu
- Tỉ lệ chiều cao giữa các hạng mục sân khấu: Chiều cao cánh gà sân khấu / chiều cao bục sân khấu / backdrop sân khấu…
- Tỉ lệ giữa chiều ngang các hạng mục sân khấu
- Tỉ lệ diện tích màn hình LED và các cảnh trí sân khấu
- Bố cục sắp xếp hình khối, tạo hình các hạng mục sân khấu để mặt đứng hài hòa và cân đối.
Hãy sử dụng những tỉ lệ đẹp trong thiết kế để áp dụng vào việc phân bổ, tạo hình mặt đứng sân khấu. Điều này sẽ quyết định đến tính thẩm mỹ, vẻ đẹp của toàn bộ sân khấu.
Tỉ lệ có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sân khấu. Sân khấu trông sẽ rộng hơn nếu các cảnh trí thiết kế nhỏ và nhiều phân lớp hơn. Sân khấu trông sẽ chật chội và đồ sộ hơn nếu các cảnh trí to lớn và choáng phần nhiều diện tích. Hãy sử dụng tỉ lệ để tạo ra cảm giác không gian đúng với ý đồ thiết kế.
4. Nguyên tắc xây dựng hình ảnh nội dung sân khấu
Nguyên tắc xây dựng hình ảnh chính là sử dụng hình ảnh – hình tượng thích hợp để làm nổi bật chủ đề của sân khấu. Các hình tượng tạo hình trên sân khấu thể hiện tính “thiết kế” cho sân khấu. Nếu sân khấu không có hình tượng, không thể hiện rõ nội dung, ý đồ thiết kế thì người xem sẽ không cảm nhận được yếu tố gọi là “có thiết kế” trong tác phẩm sân khấu.
Một sân khấu nghệ thuật thì hình tượng cũng phải nghệ thuật. Bạn có thể sử dụng những hình tượng của biển để thể hiện nội dung về biển, hình tường núi để minh họa các tiết mục về núi non… hoặc các hình tượng trừu tượng khác, miễn sao các hình tượng giúp minh họa rõ ràng cho nội dung chương trình.
Một sân khấu không có hình tượng, không có ý đồ vẫn hoạt động tốt, không sao cả, nhưng đó không phải là một sân khấu đẹp và để lại nhiều cảm xúc cho người xem.
5. Chú ý các giới hạn sân khấu
Sân khấu luôn có các giới hạn mà nếu người thiết kế không lưu ý thì sẽ gặp rắc rối khi thi công thực tế. Ngoài giới hạn về diện tích sàn sân khấu, khi thiết kế sân khấu cần chú ý đến giới hạn của chiều cao, các vật cản trong khu vực sân khấu và quan trọng là giới hạn về khổ vận chuyển. Bạn sẽ không thể vận chuyển sân khấu đến hiện trường nếu sân khấu được thiết kế quá lớn. Khi thiết kế phải phân chia giới hạn sân khấu hợp lý để có thể tiến hành vận chuyển và lắp đặt sân khấu thuận tiện nhất.
Nếu sân khấu trong nhà, khi thiết kế sân khấu cần chú ý:
- Giới hạn kích thước cửa ra vào phòng khán giả, giới hạn kích thước thang máy, thang bộ (nếu phòng khán giả ở tầng cao)
- Giới hạn chiều cao trần nhà, chiều rộng, chiều sâu phòng khán giả
- Giới hạn chiều cao, chiều rộng khu vực sân khấu
- Giới hạn thùng xe vận chuyển
Nếu sân khấu ngoài trời, khi thiết kế sân khấu cần chú ý:
- Giới hạn kích thước tối đa của vật liệu (sắt thép, tấm gỗ…)
- Giới hạn kết cấu chịu lực.
- Khả năng cản gió, sức chịu tải của kết cấu sân khấu trước tác động của gió.
- Giới hạn thùng xe vận chuyển.
6. Nguyên tắc thiết kế sân khấu: Đảm bảo an toàn
Sân khấu là một hạng mục phục vụ cho hoạt động của con người, vì thế cần phảm đảm bảo an toàn cho người sử dụng sân khấu. Các bộ phận chịu tải (sàn sân khấu, bục sân khấu…) phải đảm bảo khả năng chịu lực an toàn khi con người sử dụng, hoạt động trên đó. Các bộ phận khác như backdrop, cánh gà… cũng phải đảm bảo khả năng đứng vững, chịu tải trọng của gió thổi hoặc các tác động khác. Các bậc lên xuống sân khấu phải có đèn dẫn hướng, LED định hình để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Trên đây là toàn bộ những nguyên tắc cơ bản để thiết kế thi công sân khấu đẹp và chuẩn kỹ thuật do FTK DESIGN biên soạn. Một sân khấu ngoài yêu cầu về thẩm mỹ còn phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật để đảm bảo khả năng vận hành hoạt động tốt. Chúc bạn có những sân khấu đẹp chuẩn như ý!